Các nhân tố tạo nên cuộc Nam tiến Nam_tiến

Do yếu tố địa lý, đặc điểm dân cư, nhu cầu an ninh bảo vệ lãnh thổ mà cương thổ nước Đại Việt theo tiến trình lịch sử các triều đại phong kiến đã được mở rộng chủ yếu dần từ Bắc vào Nam.

Đặc điểm địa lý là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất, hướng Đông giáp biển, hướng Tây thì bị dãy Trường Sơn ngăn cản, phía bắc là cường quốc với lãnh thổ rộng lớn của người Hán; nên hướng thiên di, mở rộng khả thi nhất là tấn công và xâm chiếm các nước lân bang ở phương Nam.

Đặc điểm dân cư là yếu tố thứ 2, người Việt vốn sống chủ yếu ở các đồng bằng, phát triển văn minh dựa trên nông nghiệp lúa nước, họ cần những vùng đất bằng phẳng dồi dào nguồn nước để tưới tiêu. Với nhu cầu đó mà họ dần men theo các đồng bằng nhỏ hẹp ven biển. Với hình thức người dân đi trước, làng nước theo sau mà người mới di dân đến sống hòa lẫn dần vào người bản địa, đem theo kỹ thuật canh tác, chế tác công cụ nông nghiệp.

Thời trước không có khái niệm dân tộc, chủng tộc người dân bị phân biệt bởi triều đình nhà nước phong kiến cai quản vùng đất đó. Khi dân số phát triển, nhu cầu mở rộng lãnh thổ đã dẫn tới các xung đột lớn, các cuộc chiến tranh có quy mô. Vùng biên là nơi xảy ra những xung đột đó; để bảo vệ lợi ích đảm bảo phát triển ổn định mà có các cuộc chiến bình định, triệt tiêu bên kia, đi kèm nó là mở rộng vùng ảnh hưởng, chiếm đóng.